News

Home >> News >> Xếp hạng cảng biển lớn nhất thế giới

Xếp hạng cảng biển lớn nhất thế giới

Cảng biển lớn nhất thế giới là những cảng biển nào? Đây là vấn đề được nhiều bạn nghiên cứu và học tập về vận tải đường biển, logistics quan tâm. Hôm nay, HLshipping xin chia sẻ với các bạn về những cảng biển được xếp vào top cảng biển lớn nhất thế giới.

Có thể bạn quan tâm: [Top list]Công ty xuất nhập khẩu nông sản tại Tp.HCM

Top 10 cảng biển lớn nhất thế giới

1. Cảng Thượng Hải – Trung Quốc

cảng biển lớn nhất thế giới

Cảng Thượng Hải là cảng lớn nhất thế giới dựa theo lượng hàng hóa và container cập cảng. Với diện tích bằng 470 sân bóng đá, bao gồm 125 bến với tổng chiều dài bến khoảng 20 km, cảng phục vụ cho hơn 2.000 tàu container mỗi tháng, đón nhận 33,62 triệu đơn vị container và hơn 736 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Nằm trên cửa ngõ của vùng biển Đông Trung Quốc, sông Dương Tử, cảng Thượng Hải nắm giữ một vị trí quan trọng đối với thương mại nước ngoài. Trong thực tế, việc nhập khẩu và xuất khẩu thương mại hàng năm trên khắp Thượng Hải chiếm một phần tư giá trị thương mại nước ngoài của Trung Quốc; đồng thời, giúp nước này vượt lên Mỹ để trở thành quốc gia có nền thương mại lớn nhất thế giới.

2. Cảng Singapore – Singapore

Cảng Singapore đã xử lý 537,6 triệu tấn hàng và 32,6 triệu đơn vị container năm 2013, là cảng lớn thứ hai thế giới. Cảng tiếp nhận 140 nghìn tàu mỗi năm và kết nối với hơn 600 cảng trên thế giới. Một dự án mở rộng nhà ga lớn đang được tiến hành tại cảng Singapore và dự kiến khi hoàn thành vào năm 2020, cảng sẽ được bổ sung thêm 15 bến tàu mới.

[List]10 cảng biển lớn nhất Việt Nam

3. Cảng Thâm Quyến – Trung Quốc

cảng biển lớn nhất thế giới-cảng biển thâm quyến

Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc, chỉ xếp sau Thượng Hải, cảng đã tiếp nhận 22,94 triệu đơn vị container vào năm 2012 và tăng lên 23,28 triệu trong năm tiếp theo. Cảng Thâm Quyến nằm kề cảng Hồng Kông (cách 20 hải lý). Từ một làng chài nhỏ bé nhìn sang là Hồng Kông hoa lệ, Thâm Quyến vụt lên trở thành một thành phố hiện đại với nhiều tòa nhà chọc trời và là thành phố có nhiều cảng biển nhất Trung Quốc (17 cảng). Cảng Thâm Quyến đã góp phần làm cho thành phố này trở thành một trong những đặc khu kinh tế hàng đầu Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm:DDU là gì trong xuất khẩu

4. Cảng Hồng Kông – Trung Quốc

Cảng Hồng Kông đã từng là cảng lớn nhất Trung Quốc, nhưng ngày nay, khi nhiều tàu container dịch chuyển lên phía Bắc đến các cảng ở Đại lục, lượng container mà cảng Hồng Kông xử lý đã giảm từ 24,38 triệu trong năm 2011 xuống còn 23,12 triệu vào năm 2012 và năm 2013 chỉ còn 22,35 triệu.

5. Cảng Busan – Hàn Quốc

Cảng Busan, nằm ở cửa sông Naktong tại Hàn Quốc, là cảng lớn thứ năm trên thế giới dựa trên lượng hàng hóa. Cảng đã xử lý 298 triệu tấn hàng và 17,69 triệu đơn vị container trong năm 2013. Cảng Busan có 4 bến cảng hiện đại được trang bị đầy đủ là bến cảng Bắc, bến cảng Nam, bến cảng Dadaepo và bến cảng Gamcheon. Tháng 7/2010, Cảng Busan mới đã khánh thành 11 bến mới. Những bến này đều do Công ty Tân Cảng Busan, Hanjin Shipping và Hyundai điều hành. Dự kiến đến năm 2015 cảng Busan mới sẽ có 30 bến tàu.

Cảng Busan xử lý 40% tổng cước phí vận tải biển xuất khẩu, 80% cước vận chuyển container và 42% sản lượng thủy sản của Hàn Quốc. Cảng Busan được trải rộng trên một diện tích 840.000 m², có chiều dài 26,8 km và có khả năng xử lý 169 tàu cùng một lúc.

6. Cảng Ninh Ba – Chu Sơn – Trung Quốc

Cảng Ninh Ba nằm ở ven biển tỉnh Chiết Giang, đây là một trong những hải cảng lâu đời nhất của Trung Quốc với hơn 1.200 năm lịch sử, là nơi hội tụ của tam giác kinh tế sông Trường Giang và duyên hải miền Đông Trung Quốc. Cảng gồm 309 bến tàu và kết nối với hơn 600 cảng biển ở 100 quốc gia trên thế giới. Gần đây, cảng Ninh Ba được sáp nhập với cảng Chu Sơn và tổng số lượng container của hai cảng này gộp lại là 17,33 triệu, sức chứa hàng hóa 16,83 triệu tấn vào năm 2013.

7. Cảng Thanh Đảo – Trung Quốc

Cảng Thanh Đảo, nằm ở lối vào vịnh Giao Châu trên bờ biển phía nam của bán đảo Shadong, nhìn ra biển Hoàng Hải, xử lý hơn 400 triệu tấn hàng và 15,52 triệu đơn vị container trong năm 2013 và hiện đang là cảng lớn thứ bảy trên thế giới. Cảng được biết đến là cảng lớn nhất thế giới về quặng sắt và cảng lớn nhất của Trung Quốc về dầu thô. Cảng hợp nhất với cảng Thanh Đảo cũ, cảng dầu Hoàng Đảo và cảng mới Thiên Vạn, và được kết nối với hơn 450 cảng ở hơn 130 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Khu phát triển công nghệ và kinh tế Thanh Đảo, Khu thương mại tự do Thanh Đảo và Khu công nghiệp công nghệ cao Thanh Đảo đều  nằm trong vùng lân cận của cảng. Cảng được điều hành bởi Tập đoàn cảng Thanh Đảo (Quingdao Port Group).

8. Cảng Quảng Châu – Trung Quốc

Cảng Quảng Châu xử lý hơn hơn 460 triệu tấn hàng hóa và 15,31 triệu đơn vị container. Cảng nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Châu Giang. Cảng xử lý 100 triệu tấn hàng hóa đầu tiên vào năm 1999 và cho đến nay, lượng lưu thông hàng hóa đã tăng lên đáng kể hàng năm.

Cảng Quảng Châu bao gồm bốn khu vực chính là Cảng trung tâm, cảng Hoàng Phố, cảng Tân Sa và cảng Nam Sa. Cảng Quảng Châu hiện đang là cảng bốc dỡ than lớn nhất Trung Quốc.

9. Cảng Jebel Ali – Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất

Cảng Jebel Ali xử lý 13,64 triệu đơn vị container trong năm 2013, tăng từ 13,3 triệu trong năm 2012. Thị trấn cảng Jebel Ali nằm cách 35 km về phía tây nam của thành phố Dubai. Khu vực này là nơi hoạt động của hơn 5.000 công ty từ 120 quốc gia. Vì vậy, Cảng Jebel Ali được coi là một trong số các cảng thương mại khá sầm uất trên thế giới.

Jebel Ali là thị trường có sức tiêu thụ lớn các mặt hàng về chè, nông sản và lương thực thực phẩm. Khu cảng và thị trường tiêu thụ tại Jebel Ali hứa hẹn sự phát triển tốt đối với thương mại quốc tế của Việt Nam.

10.  Cảng Thiên Tân – Trung Quốc

Là cảng lớn thứ mười trên thế giới, trong năm 2013 cảng đã chứng kiến sự gia tăng đáng chú ý của thông lượng hàng hóa và container tương ứng là 5,3% và 6,2%. Cảng xử lý 476 triệu tấn hàng hóa và 13,01 triệu đơn vị container trong năm 2013.

Tọa lạc tại cửa sông Hải Hà thuộc miền Bắc Trung Quốc, cảng Thiên Tân kết nối với hơn 500 cảng và phục vụ 189 quốc gia. Cảng hiện tại có 159 bến và được tạo thành từ các cảng phía Bắc, bến cảng phía Nam, một khu kinh tế tại khu vực phía Nam, khu vực phía Đông và các bến cảng phụ trợ khác.

Top 3 cảng “thông minh” nhất thế giới

Các cảng container đang nằm giữa xu thế cải cách kỹ thuật số. Trí tuệ nhân tạo, blockchain, kết nối Internet vạn vật (IoT) đang khiến cho các cảng biển ngày càng “thông minh” hơn. Dưới đây là 3 cảng biển được đánh giá là thông minh nhất trong số các cảng biển container trên toàn thế giới

Cảng Thượng Hải (Trung Quốc): 40 triệu TEU

Thượng Hải đã vượt qua Singapore vào năm 2010 để trở thành quê hương cảng biển. Cảng Thượng Hải bao gồm cảng sông và cảng nước sâu. Khu vực cảng nước sâu Dương Sơn là nơi tập trung hầu hết các công nghệ thông minh hay tự động hóa quy mô lớn trong lĩnh vực cảng biển.
Trước đây, do Thượng Hải không có cảng nước sâu để các tàu chở container lớn cập bến nên giới chức Trung Quốc đã lên kế hoạch xây một bến cảng giữa biển và làm thêm một cây cầu để nối cảng với đất liền. Năm 2005, Cảng Dương Sơn được hoàn thành nằm giữa một cụm đảo ở vịnh Hàng Châu và được kết nối với quận Phố Đông Tân Khu – Trung tâm tài chính và thương mại của Thượng Hải  thông qua cầu Đông Hải, từ đó góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế TP. Thượng Hải.

Năm 2018, Tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG) đã xây dựng một bến tàu hàng tự động trị giá 14 tỷ NDT với diện tích bằng 312 sân bóng đá tại khu vực cảng nước sâu, qua đó tăng sức chứa của Cảng Dương Sơn thêm khoảng 6 triệu TEU. Tất cả quá trình đều được vận hành tự động, bổ sung thêm 7 bến nước sâu, nâng tổng số lượng lên 30 bến với khả năng xử lý lên đến 13 triệu TEU. Tổng công suất Cảng Thượng Hải đã vượt qua 40 triệu TEU.


SIPG đặt mục tiêu giảm 70% mức tiêu thụ năng lượng và giảm lượng khí thải xuống mức 0 bằng việc phát triển một hệ điều hành cảng đặc biệt (TOS). Đội ngũ nghiên cứu và phát triển của SIPG gồm 200 người đã thiết lập một bộ tiêu chuẩn nền tảng tự động hóa toàn bộ cảng biển Trung Quốc trong tương lai. Toàn bộ thiết bị, máy móc được cung cấp bởi Công ty Công nghiệp nặng Thượng Hải Zhenhua – nhà sản xuất thiết bị cảng biển lớn nhất thế giới. Sự hợp tác này được coi là bước ngoặt quan trọng cho tương lai của ngành công nghiệp cảng biển tại đất nước tỷ dân.

Cảng Singapore: 34 triệu TEU

Dù bị Thượng Hải vượt qua nhưng Singapore vẫn là “thành phố hàng hải toàn cầu” bởi đây luôn là điểm trung chuyển hàng hóa và dầu thô nhộn nhịp nhất thế giới. Tháng 4/2018, Cơ quan Hàng hải và Cảng biển Singapore (MPA) đã công bố một chiến lược nhằm giành lại danh hiệu “bá vương cảng biển” từ Thượng Hải, lấy nền tảng là kỹ thuật số để tối ưu năng suất và hiệu quả.

Một thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD được ký kết với Penta Ocean – công ty xây dựng hàng đầu Nhật Bản, Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc và Tập đoàn Boskali Hà Lan (nhà đầu tư hàng đầu Hà Lan trong hoạt động nạo vét, khí thủy lực, san lấp và dịch vụ hàng hải) nhằm phát triển “siêu cảng Tuas”. Đây là bước thứ hai trong chiến lược tổng thể 4 bước nhằm mở rộng diện tích Singapore về phía Tây.

Sau khi hoàn thành, dự kiến công suất cảng biển sẽ tăng thêm 21 triệu TEU vào năm 2027 và lên đến 65 triệu TEU vào năm 2040, với hầu hết chức năng tại cảng được số hóa và kết nối chặt chẽ với trung tâm thương mại Singapore. Nó được kỳ vọng sẽ vượt qua Thượng Hải để trở thành cảng biển tự động lớn nhất thế giới.

Bên cạnh việc đầu tư vào siêu cảng, MPA cũng đã liên hệ với 7 đối tác để phát triển các hoạt động cảng biển, tập trung vào kết nối, khả năng nghiên cứu – phát triển công nghệ cũng như đổi mới văn hóa kinh doanh cảng biển. Trong 7 thỏa thuận này, quan trọng nhất là cú bắt tay với ST Electronics (Pháp) và Kongsberg Norcontrol (Na Uy) để phát triển một hệ thống quản lý giao thông tàu biển thế hệ mới. 7,5 triệu USD sẽ được đầu tư để xây dựng một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về an toàn và an ninh hàng hải cũng như các khía cạnh hoạt động của hệ thống vận tải cảng biển mới. MPA cũng đã hợp tác với Tập đoàn Wartsila của Phần Lan để phát triển an ninh mạng và hoạt động cảng thông minh, kết hợp với các công ty khởi nghiệp công nghệ hàng hải và các trường đại học, học viện.

MPA cũng đang phát triển Trung tâm Dữ liệu hàng hải Singapore dưới dạng kho lưu trữ dữ liệu một cửa nhằm hỗ trợ cho việc phát triển, thử nghiệm các ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật số tiên tiến cho ngành Hàng hải.

Cảng Rotterdam (Hà Lan): 13,6 triệu TEU

Cho đến giữa thập kỷ trước, Rotterdam là cảng biển lớn nhất thế giới. Song kể từ năm 2005, nó đã đánh mất “ngôi vương” và rơi khỏi Top 10 sau khi bị 6 cảng của Trung Quốc và các cảng Singapore, Busan, Hồng Kông, Dubai vượt qua. Mặc dù vậy, Rotterdam vẫn là trung tâm thương mại hàng hải ưu việt của châu Âu, là “át chủ bài” trong cuộc cách mạng 4.0 tại châu Âu. Rotterdam có tham vọng xây dựng một đội tàu tự vận hành vào năm 2025 – 2030.

Để đạt được điều này, Rotterdam đang bổ sung nhiều cảm biến, phần mềm và trí thông minh nhân tạo tại cảng với mục tiêu tạo ra một hệ thống kỹ thuật số có thể thiết lập, vận hành, theo dõi, điều hành mọi hoạt động vận chuyển và quản lý cơ sở hạ tầng cảng biển dựa trên các dữ liệu phân tích thời tiết và độ sâu của nước. Cảng Rotterdam xử lý hơn 140.000 tàu biển mỗi năm, việc điều hành hoạt động ra, vào bến cảng rất phức tạp.

Do đó, việc nắm được các số liệu về môi trường và điều hướng có thể cải thiện lợi nhuận cho các nhà khai thác vận tải hàng hóa. Các dữ liệu môi trường tại cảng, bao gồm thông tin về gió, tầm nhìn và thủy triều đã được thu thập để phân biệt các điều kiện và thời gian tối ưu cho việc neo đậu và đi lại của tàu. Cảng cũng cung cấp hướng dẫn về độ cao thông quan cho tàu, tăng công suất tàu dựa trên độ cao thông quan để tăng doanh thu cho mỗi tàu vào cảng.

Tổng kết

Vậy là HLshipping đã giới thiệu với các bạn top 10 cảng biển lớn nhất thế giới. Hy vọng thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu về vận tải biển, logistics.


Về chúng tôi

HL Shipping Co.,Ltd là một đơn vị giao nhận vận tải trên toàn thế giới có trụ sở tại Hồ Chí Minh, Việt Nam. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vân tải biển và hàng không. Chúng tôi tự tin là địa chỉ lý tưởng để cung cấp các dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics. Đáp ứng được mọi yêu cầu của Quý Khách. Nếu bạn cần hỗ trợ bất kỳ thông tin gì về khai báo hải quanvận tải hàng hóa nội địa… thì gọi ngay HLshipping để được hỗ trợ và tư vấn miễn phí.

Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà Bảo Minh, 217 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh
Phone: +84 28 39956117
Email: info@hlshipping.com

FanpageFb/hlshipping.com.vn

Google reviewhttps://g.page/hlshipping?gm

0 0 votes
Article Rating
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments

[…] Xem thêm: Xếp hạng cảng biển lớn nhất thế giới […]

[…] Xem thêm: Xếp hạng cảng biển lớn nhất thế giới […]

GIVE US YOUR INFORMATION TO CONTACT