Your cargo, we connect beliefs
Hotline:0903.309.909
Home >> Tin Tức >> Liên kết vùng để phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Để phát triển logistics tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cần thúc đẩy phát triển vận tải xanh, các hệ thống bến cảng thủy nội địa, thúc đẩy tính liên kết vùng.
Đây là nội dung được đưa ra tại Tọa đàm “Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa” do tạp chí Hải quan tổ chức sáng ngày 6/4.
Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế năng động nhất, quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với 35% GRDP, hơn 40% thu ngân sách, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn là khu vực tập trung hạ tầng và dịch vụ logistics quan trọng, với hàng chục nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước.
Đánh giá về thực trạng logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, 5 năm gần đây chi phí logistics tại Việt nam đã giảm xuống còn 16%. Mặc dù vậy hạ tầng kết nối logistics vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Nguyên nhân do kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, quy hoạch hệ thống cảng còn khá manh mún ảnh hưởng tới tốc độ phát triển logistics, một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn; thiếu cơ chế để tạo ra sự liên kết, kết nối thực chất giữa các địa phương… đã khiến doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường thế giới.
Theo ông Đỗ Xuân Minh, việc phát triển logistics tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng, từ cảng, đường kết nối đế hệ thống kho bãi.
Tại khu vực phía Nam, mặc dù đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua 2 hệ thống cảng TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu, đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu, hệ thống giao thông quá tải, thiếu đường cao tốc gây tình trạng tắc nghẽn, gia tăng chi phí nhân lực, vật lực; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có hệ thống sông thuận lợi cho phát triển phương thức vận tải thủy nội địa, nhưng thực tế, hàng hóa tại khu vực này vẫn phải tập trung về các cảng Đông Nam bộ để xuất khẩu, gây tốn kém, mất thời gian và phức tạp.
Cùng với đó, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dữ liệu phục vụ cho hoạt động logistics vẫn còn phân tán, chưa có dữ liệu chung để sử dụng cho cả chuỗi cung ứng. Điều này làm cho chi phí vận tải tăng lên. “Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí đưa 1 container hàng từ Bến Tre lên Cát Lái cao hơn gấp 3 lần chi phí đưa từ Băng Cốc về Cát Lái. Nếu có đủ dữ liệu 1 container chúng ta khai thác được cả 2 chiều, chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều”, ông Phương cho biết.
Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Do đó việc phát triển ngành logistics cần đi đôi và song hành với sự phát triển của khu vực và đáp ứng cho hoạt động giao nhận vận chuyển xuyên suốt.
Trong đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%. “Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển”, ông Đặng Vũ Thành nêu.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Logistics- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phát triển theo hướng vận tải xanh. Theo đó, cần xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng tại TP. Hồ Chí Minh đối với phương thức vận tải bằng đường thủy nhằm thúc đẩy phát triển vận tải xanh, các hệ thống bến cảng thủy nội địa, thúc đẩy tính liên kết vùng, giữa các tỉnh thành có nhiều thuận lợi kết nối lưu thông bằng đường thủy nội địa.
Xây dựng các chính sách để hỗ trợ quá trình phát triển cảng thương mại tự do, trong đó có miễn thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân và nhà đầu tư. Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin kết nối với các cảng hiện hữu và dữ liệu của hải quan để đảm bảo kiểm soát hàng hóa trong cảng thương mại tự do hoàn toàn chính xác. Có lộ trình thu hút đầu tư, kinh doanh bao gồm cả hàng hóa trung chuyển, quá cảnh với “thuế quan bằng 0%, thuế suất thấp và hệ thống thuế đơn giản” nhằm thúc đẩy dòng thương mại, đầu tư, vốn và nguồn nhân lực xuyên biên giới thuận tiện hơn, cũng như an toàn và an ninh thông tin, dữ liệu.
Hà Duyên – Follow- https://congthuong.vn/tang-len-ket-vung-de-phat-trien-logistics-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-249303.html