News

Home >> News >> Xuất nhập khẩu 2023 điều gì đang chờ đợi?

Xuất nhập khẩu 2023 điều gì đang chờ đợi?

Năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD – lập đỉnh mới sau kết quả gần 670 tỷ USD năm ngoái. Đây chính là điểm sáng nhất, góp phần quan trọng để hoàn thành các mục tiêu để tăng trưởng kinh tế ấn tượng của cả năm 2022.

Nhân dịp Xuân Kỷ Mão, Người Đưa Tin (NĐT) có cuộc trò chuyện với ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để cùng nhìn lại kết kỷ lục xuất nhập khẩu của năm 2022 và những dự báo trong năm 2023.

NĐT: Thưa ông, trong bức tranh kinh tế cả năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu là một điểm sáng với con số ghi nhận ở mức kỷ lục 700 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Ông Trần Thanh Hải: Trong bức tranh xuất nhập khẩu chung của cả năm 2022, về mặt kết quả chúng ta ghi nhận được những con số rất ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức 700 tỷ USD và trong đó xuất siêu ở mức 11 tỷ USD.

Nhìn sâu hơn, trong cơ cấu của các mặt hàng thì có sự tăng trưởng đồng đều ở một số hàng công nghiệp, nông nghiệp. Với nông nghiệp, những nhóm hàng như thuỷ sản, cà phê, hồ tiêu có sự tăng trưởng rất tốt. Năm 2022 cũng là năm mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất, dự ở mức 7,2 triệu tấn. Trong lĩnh vực các mặt hàng công nghiệp, đứng đầu vẫn là hàng về điện tử, điện thoại, linh kiện; nhóm thứ hai là công nghiệp tiêu dùng, dệt may, da giày… đều có sự tăng tưởng ấn tượng.

Kết quả đạt được trong năm 2022 là sự nỗ lực rất lớn trong bối cảnh có nhiều tác động về mặt chính trị, xã hội, dịch bệnh. Năm 2022 là năm mà dịch Covid-19 đã lắng xuống, song lại nổi vấn đề chiến sự tại Nga – Ukaraine. Điều này gây tác động đến an ninh năng lượng, dẫn đến tình trạng lạm phát ở một số thị trường như Hoa Kỳ, EU… kéo theo hiệu ứng lan toả ra toàn cầu và gây nên tình trạng suy thoái.

Tựu chung, bối cảnh 2022 rất khác so với hai năm trước, nhưng hệ quả thì tương đối giống nhau, đều chịu tác động về mặt chính trị, xã hội, dịch bệnh.

NĐT: Đối với các thị trường xuất khẩu của Việt Nam thì sao, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Hiện cơ bản chúng ta vẫn giữ được cơ cấu xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, theo sau là thị trường Trung Quốc – đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam. Tiếp theo là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN cũng là những thị trường ổn định của Việt Nam.

Nhờ vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, có tác dụng rất lớn trong việc mở rộng thị trường. Hiện nay, những hiệp định FTA chúng ta ký kết đã phủ kín khu vực châu Âu, Đông Bắc Á, Ấn Độ, New Zealand, Canada, Mexico, New Delhi… Đây đều đã những nước đối tác bạn hàng lớn và có sự tăng trưởng rất tốt trong năm qua.

NĐT: Những thành công trong xuất khẩu nông sản trong năm 2022 là cơ sở hàng nông sản Việt Nam tiếp tục “phá rào” mở cửa tiêu thụ tại thị trường khó tính. Việc mở cửa được thị trường đã khó, nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, ông nghĩ sao?

Ông Trần Thanh Hải: Chính xác là như vậy, chúng ta xuất khẩu được những sản phẩm nông nghiệp vào thị trường khó tính với những yêu cầu khắt khe, đó là tin tốt. Song, việc giữ được thị trường và phát triển bền vững sẽ là thách thức lớn hơn.

Năm 2022 là năm khá thành công của xuất khẩu trái cây vì có nhiều thị trường mới, nguồn cung cũng dồi dào, tình hình biên giới lưu thông tốt. Với các sản phẩm nông sản, ngoài vấn đề về thuế còn về vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng. Các FTA mới chỉ giải quyết về câu chuyện về ưu đã thuế quan.

Nói đơn giản, thì đó như một cánh cửa có hai lớp, cánh cửa đầu tiên mở ra nhưng vẫn còn một cánh cửa nữa cần vượt qua và cánh cửa thứ 2 lại chính là hàng rào quyết định chúng ta có vào được thị trường đó và ở lại được hay không.

Việc đảm bảo tuân thủ quy định để duy trì được xuất khẩu chính ngạch chính là yếu tố rất quan trọng, trong đó liên quan đến quy trình về sản xuất, công tác bảo vệ kiểm dịch, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, quy trình canh tác, duy trì chất lượng…

NĐT: Có ý kiến nhận định rằng xuất khẩu Việt Nam những năm qua tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu. Là người tham gia trực tiếp vào công tác thúc đẩy hoạt động này, ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Ông Trần Thanh Hải: Khi nói đến yếu tố bền vững thì chính là nói về yếu tố nội tại. Hiện, với nhóm hàng nông sản thì chúng ta đang có nguồn hàng rất dồi dào, sản lượng các nhóm hàng từ gạo, hồ tiêu, cafe, sắn… cũng ở top đầu.

Tuy nhiên, sản phẩm của chúng ta hầu hết là xuất thô và chưa qua chế biến hoặc là qua chế biến nhưng có giá trị gia tăng chưa cao. Vì vậy, giá thành bán ra bị thấp và có giá trị thu về không cao. Đây là yếu tố nói lên việc chúng ta chưa có bền vững trong hoạt động xuất khẩu.

Thứ hai, các mặt hàng công nghiệp cũng tương tự khi quy mô xuất khẩu lớn nhưng hàm lượng giá trị gia tăng chưa nhiều, đặc biệt là sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng dài và các sản phẩm phức tạp như điện tử, linh kiện. Hơn nữa, yếu tố thiếu bền vững còn thể hiện ở việc các doanh nghiệp FDI đang chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm 2/3 trong khi doanh nghiệp trong nước lại chưa nâng được thị phần của mình lên.

Thứ 3, dù Việt Nam đã kí kết 15 FTA mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, song vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng khác chúng ta chưa có FTA. Do đó, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khác.

NĐT: Thưa ông, trong hoạt động xuất khẩu, lãnh đạo ngành Công Thương đã nhiều lần nhấn mạnh về việc hướng tới thị trường trong nước 100 triệu dân cũng như hướng đến con đường xuất khẩu chính ngạch thay vì con đường tiểu ngạch. Vậy làm sao để doanh nghiệp Việt thực sự chú trọng đến con đường xuất khẩu bền vững này. Và chiến lược lâu dài, theo ông cần thực hiện những gì?

Ông Trần Thanh Hải: Khái niệm “tiểu ngạch” không có một định nghĩa chính thức. Song có thể hiểu hàng hoá tiểu ngạch là hàng hoá không đi qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế – nơi có đầy đủ những lực lượng kiểm tra, hải quan của nước bạn.

Tiểu ngạch cũng có nghĩa là hàng hoá không phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của nước bạn. Nhưng điều này sẽ không bền vững, quy mô nhỏ và thực tế hiện nay, Trung Quốc cũng đang siết lại hoạt động này.

Điều này để thấy rằng, muốn hay không thì việc dịch chuyển sang chính ngạch là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp cũng không nên chần chừ, hay hi vọng vào việc vẫn còn cơ hội để làm ăn nhỏ lẻ như trước đây. Suy nghĩ về việc làm chính ngạch chính là con đường phát triển bền vững.

Với mỗi doanh nghiệp thì cần xây dựng chiến lược lâu dài riêng. Thứ nhất, để phát triển xuất khẩu nói chung và phát triển xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nói riêng thì chúng ta cần lưu ý về các tiêu chí hay những luật chơi, bởi muốn tham gia thì chúng ta phải nắm rõ những luật chơi đó, cố gắng tuân thủ để tránh việc làm sai hay thiếu hiểu biết, tránh để xảy ra tranh chấp, thiệt hại.

Thứ hai, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng, uy tín của sản phẩm. Thứ 3, tình hình gian lận xuất xứ rất phổ biến, do đó, doanh nghiệp phải tránh việc trở thành nạn nhân của vấn đề này. Thứ 4 là câu chuyện thương mại xanh – tức là hoạt động thương mại không làm ảnh hưởng quá mức đến môi trường.

NĐT: Nhìn từ vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị lừa đảo với 36 container trị giá trên 160 tỷ đồng mất quyền kiểm soát. Doanh nghiệp Việt cần làm gì để tránh bị lừa trong hoạt động thương mại quốc tế, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Vụ 100 container hạt điều là bài học thực tiễn từ kinh doanh thương mại để chúng ta thấy rằng, môi trường kinh doanh quốc tế tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, ngoài những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh thì có cả rủi ro về con người. Điều này là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải nắm bắt được thực tế là có hiện tượng như thế, nắm bắt được thị trường có nguy cơ cao, cảnh giác và hạn chế thấp nhất nguy cơ đó.

Mặt khác, cũng cần có những công cụ để phòng hộ cũng như làm việc trong quá trình này. Vấn đề là doanh nghiệp chưa khai thác, hay mua bảo hiểm, sử dụng những dịch vụ giao nhận mang tính chất kết nối, tạo ra sợi dây bảo hiểm cho đơn hàng. Chính vì chưa nắm được nên thiệt hại khi xảy ra là rất lớn và mất rất nhiều công sức, thời gian để có thể khắc phục được.

NĐT: Nhìn từ kết quả năm 2022, ông dự báo thế nào về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2023 khi khó khăn vẫn còn hiện hữu?

Ông Trần Thanh Hải: Nhìn chung năm 2023 sẽ nhiều khó khăn, sự suy thoái diễn ra ở các thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, trong khi chúng ta vẫn phải chịu sức ép cạnh tranh từ những nước xuất khẩu khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,…

Tôi cho rằng, bối cảnh năm 2023 là không hề dễ dàng, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức bởi đây là thời điểm hệ luỵ của tình trạng suy thoái, lạm phát được bộc lộ rõ nét và các lô hàng xuất khẩu cũng sẽ bị cắt giảm.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động, ngoài việc cơ cấu tìm thêm mặt hàng mới, thị trường mới, ngành hàng mới thì việc xây dựng kịch bản để ứng phó, tồn tại trong thế giới nhiều biến động là rất cần thiết. Đây cũng là dịp để chúng ta đánh giá lại hoạt động của doanh nghiệp, từ vấn đề nhân lực, ứng dụng công nghệ, tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao năng suất trong hoàn cảnh khó khăn.

Về phía Chính phủ, bộ ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

NĐT: Vậy dự báo về con số kim ngạch xuất nhập khẩu 2023 thì sao thưa ông, liệu có tăng trưởng cao như 2022 và 2021?

Ông Trần Thanh Hải: Như đã chia sẻ thì với các yếu tố nhiều bất định như năm 2023, tôi cho rằng rất khó để tăng trưởng được như năm 2022, song chúng ta vẫn kỳ vọng cán cân thương mại sẽ tiếp tục nghiêng về xuất siêu

NĐT: Trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như xung đột Nga – Ukraine, hoạt động xuất nhập khẩu được duy trì nhờ vào việc đảm bảo logistics. Ông cũng từng chia sẻ rằng, logistics được ví như mạch máu của nền kinh tế. Vậy ông đánh giá như thế nào về hoạt động này trong năm vừa qua?

Ông Trần Thanh Hải: Hoạt động logistics luôn luôn là mạch máu của nền kinh tế và đồng hành với các hoạt động kinh tế từ trước đến nay. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua, khối lượng hàng hoá sản xuất, luân chuyển trong nước và xuất nhập khẩu tăng, logistics đóng vai trò là yếu tố quan trọng.

Trong năm 2022, khi dịch được đảm bảo, hoạt động phong toả được nới lỏng và từ quý III/2022, giá cước vận tải bắt đầu giảm nhiệt và hiện giá cước đã quay trở lại ở thời điểm trước dịch, cũng không còn tình trạng thiếu container. Tất nhiên, trong một số thời điểm những tàu chở dầu, khí thì giá cước vẫn cao. Song nhìn chung, bức tranh logistics có nhiều tích cực rõ rệt, nhờ sự vào cuộc của Chính phủ, cũng như bộ ngành, địa phương.

Đơn cử như Chính phủ đốc thúc quyết liệt việc triển khai gói thầu tuyến cao tốc Bắc – Nam. Đây là xương sống của đất nước trong lưu thông các vùng miền hay tuyến vành đai 3, vành đai 4, mở rộng cảng biển tại hai đầu Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cùng với đó, các sân bay mới được xây dựng, đặc biệt là vấn đề về kho bãi được gia tăng tại các địa phương – lâu nay được xem là các công trình mang tính chất phụ trợ, thì nay đã được xem là công trình thiết yếu không thể thiếu.

NĐT: Dù đóng vai trò rất quan trọng nhưng hiện ngành logistics vẫn chưa có một cơ quan quản lý cụ thể về ngành này?

Ông Trần Thanh Hải: Bản thân dịch vụ logistics là ngành tổng hợp, bao gồm cả yếu tố về vận chuyển, lưu giữ hàng hoá, cho đến kho hàng, dịch vụ giao nhận, giám định bảo hiểm đối với hàng hoá… Tất cả yếu tố đó đều là thành phẩm của dịch vụ logistics.

Nếu xét về quản lý Nhà nước thì đó đều là những lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau, tuy nhiên ở đây chúng ta nói về vai trò mang tính chất điều phối, tổng hoà liên kết với nhau – hiện vẫn đang thiếu.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 96 về chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương, trong đó đưa dịch vụ logistics vào phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Đó là một thay đổi rất lớn.

Tuy nhiên, đó chỉ là thay đổi ở phần có chức năng nhiệm vụ, vẫn chưa có bộ máy tương xứng để thực hiện chức năng nhiệm vụ đó. Nói vậy để thấy, chúng ta mới chỉ mới giải quyết phần đầu và vẫn còn phải giải quyết hoàn thiện, kiện toàn bộ máy quản lý về logistics để từ đó hỗ trợ cho ngành cũng như cho doanh nghiệp.

NĐT: Vậy nhân lực hiện nay cho ngành logistics như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Nhu cầu hiện nay với ngành logistics là rất lớn, dịch vụ cũng ngày càng mở rộng nhưng nhân lực của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được về mặt chất lượng.

Tuy nhiên, hiện đã có khoảng 60 trường đại học, cao đẳng có mã ngành đào tạo về logistics và đa phần cũng mới bắt đầu đào tạo trong 5 năm trở lại đây. Đây là tín hiệu đáng mừng, khởi đầu tốt để tầm nhìn trong 5-10 năm nữa, chúng ta lực lượng lao động chuyên nghiệp và đó sẽ bắt nhịp với thực tế.

NĐT: Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022, ông có chia sẻ rằng thời gian tới sẽ có một Nghị quyết của Chính phủ ban hành riêng về lĩnh vực logistics để thúc đẩy lĩnh vực này. Ông có kỳ vọng gì khi Nghị quyết này được ban hành?

Ông Trần Thanh Hải: Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết riêng về lĩnh vực logistics thể hiện sự quan tâm cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển ngành logistics. Điều này sẽ ra xung lực cho ngành, tạo ra sự chú ý với các địa phương, bộ ngành cộng đồng doanh nghiệp cũng như các hiệp hội.

Theo Người đưa tin – https://www.nguoiduatin.vn/e-xuat-nhap-khau-nam-2023-dieu-gi-dang-doi-a592737.html

0 0 đánh giá
Article Rating
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

[…] Xem thêm: Xuất nhập khẩu 2023 điều gì đang chờ đợi? […]

GIVE US YOUR INFORMATION TO CONTACT